Đó là ông lang nổi tiếng nhất làng tôi. Nổi tiếng đến nỗi không chỉ dân trong làng, mà cả dân làng khác, rồi huyện khác, tỉnh khác cũng kéo đến nhờ ông khám bệnh cho. Trong khi các ông lang khác khám bệnh phải bắt mạch, đo nhịp thở, rồi xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu đủ trò, thì ông lang Cứt làng tôi lại khác: ông khám không cần phải xét nghiệm, cũng chả cần đo đạc hay sờ nắn. Vậy ông cần gì? Xin thưa: ông cần cứt. Bởi thế người ta gọi ông là ông lang Cứt, chứ thực ra thì tên thật của ông không phải là Cứt, mà là Phân.
Một nhà hiền triết của Tây phương cực lạc có một câu nói rất nổi tiếng rằng: “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là loại người nào”. Không chịu kém cạnh, ông lang Cứt làng tôi cũng có một câu slogan viết trên tấm bảng gỗ, treo trước cổng, rằng: “Hãy cho tao xem cứt của mày, tao sẽ cho mày biết sức khỏe của mày ra sao”.
Ông lang Cứt có cái tài là chỉ cần nhìn cứt thì có thể đoán biết được chủ nhân của bãi cứt đó đang bị bệnh gì, đồng thời chỉ ra cách chữa trị. Nghe qua thì thấy khó tin, nhưng thực ra là có cơ sở khoa học đàng hoàng. Thậm chí, nó còn đáng tin cậy hơn cả việc xét nghiệm máu hay nước tiểu ở một số bệnh viện - nơi mà người ta sử dụng những thiết bị, máy móc xét nghiệm vỏ Đức – ruột Tàu, nhập lậu, nguồn gốc không rõ ràng, và có chức năng giống như một chiếc máy photocopy: tức một kết quả xét nghiệm có thể in sao thành trăm bản và phát cho bệnh nhân.
Người đời có câu: “Bệnh vào từ mồm”. Nghĩa là những thứ bạn ăn vào có thể là nguyên nhân gây bệnh cho bạn. Còn ông lang Cứt lại có câu: “Bệnh ra từ đít”. Tức là nhìn vào những thứ chui ra từ đít bạn thì ông ấy có thể đoán ra bệnh. Hai câu này về ý tứ có vẻ khác nhau, nhưng bản chất thì vẫn thế, bởi cái thứ chui ra từ đít chẳng qua cũng vẫn là cái thứ đã bạn đã cho vào mồm, có khác chăng là nó đã trải qua quá trình nhai, nuốt, tiêu hóa, phân hủy và bài tiết mà thôi.
Ông lang Cứt đoán bệnh chủ yếu bằng thị giác (tức là dùng mắt để quan sát cứt), thỉnh thoảng ông mới dùng thính giác, và rất ít khi dùng vị giác. Ông lang Cứt nói rằng, trước giờ, người ta thường đánh giá thấp cứt, coi cứt là đồ bỏ đi, cứ cái gì xấu xa, tồi tệ thì đều ví là như cứt, đó thật sự là một điều bất công với cứt. Bởi theo ông, cứt là tấm gương phản chiếu rõ nhất tình trạng sức khỏe và bệnh lý của chủ nhân mình.
Tôi thỉnh thoảng cũng qua nhà ông lang Cứt chơi, xem ông chữa bệnh. Lần ấy, nhân lúc ông lang Cứt đang rảnh vì vắng khách, tôi lân la lại gần rồi hỏi ông:
- Cứt của một người khỏe mạnh bình thường thì cần phải đạt được những yếu tố gì ạ?
Ông nghe thì cất giọng đầy trầm ngâm:
- Nhiều lắm! Màu sắc, khối lượng, hình dạng, mùi vị. Cứt đẹp thì phải có màu vàng nhạt, giống màu bánh pizza, hoặc màu của sợi mì tôm chưa pha. Nếu có màu đỏ, cam, lục, lam, chàm hoặc tím thì đều không ổn, cần phải xem lại chế độ ăn uống. Về khối lượng thì nhiều hoặc ít quá đều không tốt, dao động ở khoảng từ một đến hai vốc tay là xinh nhất. Tương tự như vậy thì lỏng quá, rắn quá, hoặc thối quá, thơm quá cũng đều là dấu hiệu của bệnh lý. Cứ sền sệt, mềm mềm như kem dưỡng da, và mùi nồng nồng, thum thủm, ngai ngái như sầu riêng là chuẩn”.
Cũng theo lời ông lang Cứt, muốn đoán bệnh chính xác thì tốt nhất là nên quan sát ngay khi cứt vừa chui ra, nếu bị để ngoài trời quá nửa tiếng thì cứt không còn giá trị nữa. Bởi thế, nhiều bệnh nhân lần đầu đến khám, không biết điều này nên toàn mang cứt sẵn từ nhà đi. Đến nơi, ông bắt họ vứt hết cứt cũ đi, ỉa cứt mới. Riêng cái chuyện vứt cứt cũng gây ra khá nhiều phiền toái, bởi có nhiều bệnh nhân vô ý, vô tứ lắm! Thay vì vứt cứt vào thùng rác, hoặc ra vườn, hoặc xuống ao, thì họ lai cứ nhằm sang nhà hàng xóm của ông mà vứt. Mấy chục năm làm cái nghề này, hiếm hoi lắm mới có một ngày ông không bị hàng xóm chửi.
Hồi đầu, ông còn cho bệnh nhân vào toa-loét nhà ông ỉa để lấy cứt, nhưng cũng vì nhiều bệnh nhân kém ý thức, ngồi xổm cả lên bệ xí, chùi xong vứt giấy bừa bãi, có người còn chùi bằng bìa các-tông làm tắc bồn cầu, thế nên về sau, ông bắt bệnh nhân ỉa ngoài sân hết. Không phân biệt lớn bé, già trẻ, gái trai, ai cũng giống ai, đều được phát cho một cái bô, rồi tụt quần, ngồi tô hô giữa sân. Vào những đợt cao điểm, đông khách, cái sân nhỏ của nhà ông nhiều lúc phải chứa tới vài chục người ngồi chen nhau ỉa, tiếng cãi cọ nhau hòng giành giật vị trí đẹp, rồi tiếng bủm bủm, phèn phẹt, bòm bọp vang lên rộn rã, nghe rất vui tai.
Cũng vì đông quá nên chuyện nhầm lẫn giữa bô của người này với bô của người kia là điều khó tránh khỏi. Đã có khá nhiều vụ xô xát, cãi cọ, thậm chí ẩu đả rất nghiêm trọng chỉ bởi ai cũng khăng khăng rằng cái bô đó là của mình. Nói thật, đánh nhau vì danh dự, vì tình yêu thì ở đâu cũng thấy, nhưng đánh nhau vì cục cứt thì chắc chỉ ở nhà ông lang Cứt mới có.
Đặc biệt, một hôm có khoảng gần hai chục nữ sinh trường múa - cô nào cũng mơn mởn, xinh tươi, chắc nghe danh ông mà từ trên thành phố đã lặn lội về tận nhà ông để khám. Ông cũng phát cho mỗi cô một bô, rồi bảo họ mang ra sân ngồi. Hình như mấy cô nữ sinh này vía tốt hay sao ấy, bởi từ lúc các cô ấy tới thì khách cũng kéo đến đông ngùn ngụt, đứng quây kín sân, kín vườn, ra đến tận ngõ, nhiều anh còn trèo cả lên cành cây ngồi. Mà lạ một điều là khách hôm đó toàn mấy thằng thanh niên choai choai. Ông lang Cứt thấy đông khách quá thì phấn khởi chạy ra chào mời, hướng dẫn họ xếp hàng đợi khám. Thế nhưng đương nhiên là ông lại phải tiu nghỉu quay vào, bởi mấy thằng đó khỏe như trâu, có bệnh tật gì đâu, chúng nó đến xem thôi chứ khám xét gì.
Câu chuyện của tôi và ông lang Cứt bị cắt ngang vì có khách tới khám. Vị khách này là một cậu thanh niên rất trẻ, gầy gò, đi chiếc xe đạp cũ kỹ và bẩn như xe thồ. Cậu ta rụt rè dựa xe vào góc sân, lấy cái bọc giấy báo được gói cẩn thận, treo lủng lẳng trên ghi-đông xe xuống rồi khúm núm tiến lại gần chỗ tôi và ông lang Cứt:
- Dạ! Con chào thầy ạ! Nhờ thầy khám giúp con!
Vừa nói, cậu thanh niên vừa lễ phép đưa cái bọc giấy báo ấy ra…
- Cái gì vậy? – Ông lang hỏi rồi nhìn chằm chằm vào bọc giấy.
- Dạ! Cứt ạ!
Nghe thế thì ông lang đã biết rằng cậu ta là người mới đến khám lần đầu. Ông thở dài, lắc đầu ngao ngán, bảo cậu thanh niên ném bọc cứt đi. Rồi ông vào nhà lấy cái bô đưa cho cậu ta. Ông vẩy vẩy tay ra sân, ý muốn bảo cậu ấy ra ngồi bô đi. Cậu thanh niên hiểu ý, mang bô ra giữa sân, tụt quần, ngồi thụp xuống, mặt đần thối. Xong việc, cậu ta nhanh chóng mang bô chạy lại đưa cho ông lang. Đón cái bô cứt từ tay cậu thanh niên, ông lang hỏi luôn:
- Cậu là sinh viên hả?
- Dạ vâng! Sao thầy hay vậy?
- Nhìn cứt là biết mà! Toàn mì tôm, không hề có một chút dấu hiệu nào của thịt hoặc rau cả! Thế cậu bị đau thế nào?
- Hình như con bị gút thầy ạ! Con đau khớp cổ tay! Và chỉ đau ở cổ tay trái. Cảm giác rất nhức và khó chịu!
- Cậu chưa có bạn gái đúng không?
- Dạ vâng!
- Gút cái con khỉ! Bệnh của cậu thì hầu hết những thằng sinh viên nghèo, không có người yêu, và không có tiền chơi gái đều rất dễ mắc phải. Cứ đợi khi cậu ra trường, đi làm, kiếm được người yêu, hoặc có tiền rủng rỉnh chơi gái, thì bệnh sẽ tự hết thôi. Đó là nói về lâu dài. Còn trước mắt, muốn cho tay trái đỡ đau, cậu nên tập chuyển sang quay bằng tay phải, điều đó là cần thiết để giúp giảm tải cho tay trái. Đồng thời, tránh lên mạng xem mấy cái phim bậy bạ, chịu khó rèn luyện thể dục thể thao, tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ giúp đầu óc và tinh thần cậu trở nên trong sáng và lành mạnh hơn.
Cậu thanh niên nghe mà như nuốt từng lời của ông lang Cứt. Lúc cậu móc tiền định trả công thì ông lang Cứt gạt đi, ông bảo cầm tiền về mà mua thịt, mua rau ăn cho phân nó đẹp. Cậu thanh niên cảm ơn rối rít, rồi lọc cọc đạp xe về. Tôi cũng có việc phải đi, nên cũng xin phép chào từ biệt. Ông lang Cứt tiễn tôi ra ngõ, rồi bất chợt ông hỏi tôi:
- Cháu có muốn ông truyền nghề cho không? Ông già rồi, chẳng sống được mấy nữa, vậy mà vẫn chưa tìm được truyền nhân, nên ông rất sốt ruột. Ông hỏi nhiều đứa rồi, nhưng gặp phải toàn đứa sợ cứt, nên chẳng đứa nào chịu nhận lời!
Đương nhiên là tôi từ chối, vì tôi cũng rất sợ cứt. Tiện đây, cho tôi hỏi là có bạn nào không sợ cứt (hoặc bạn biết ai trong số bạn bè của bạn không sợ cứt) và muốn theo học nghề của ông lang Cứt thì liên hệ với tôi ngay nhé, tôi sẽ đưa bạn đến gặp ông ấy. Chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức giúp ông lang Cứt tìm được truyền nhân. Nếu để cho những kinh nghiệm khám chữa bệnh quý báu của ông lang Cứt bị thất truyền thì đó chính là tội ác, là lỗi của tôi, của bạn, và của tất cả chúng ta đó!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
Xem thêm các truyện khác của Võ Tòng tại: https://facebook.com/truyencuoibua hoặc https://truyentraophung.blogspot.com/
loading...
0 nhận xét:
Post a Comment