Home » » Hai đứa trẻ ranh

Hai đứa trẻ ranh

Tiếng kèn đám ma ở cuối làng văng vẳng, nỉ non theo gió xuôi về khiến cái chợ huyện nhỏ vốn đã buồn tẻ và ủ ê lại càng thêm phần não nề, thê thảm.



Chân trời phía Tây đỏ rực như quả cam Tàu, khác một chỗ là cam Tàu để cả tháng vẫn đỏ, còn phương Tây thì chỉ lát nữa thôi sẽ tối sầm, nhường chỗ lại cho màn đêm liêu tịch. Trên cái nền trời đỏ rực ấy cắt hình rõ rệt mấy cái cột điện cao thế dây rợ nhằng nhịt, mấy tòa nhà lổm nhổm, to nhỏ, lớn bé nhấp nhô, rồi cả mấy cái cột ăng-ten lèo khoèo ngắc ngư theo gió. Nhà nào không có cột ăng-ten thì sẽ có một cái chảo ngửa lên trời để thu sóng, cũng toàn là chảo Tàu cả, chỉ xem được mấy kênh quảng bá không mất tiền, chứ đến dịp World Cup hay Euro là biết nhau ngay. Rõ ràng cũng cái kênh đó, vừa mới đó còn xem ngon lành, thế mà đến giờ bóng đá mở ra thì nó hiện lên dòng chữ: “Bạn không thể xem kênh này vì bạn dang dùng chảo Tàu, chảo lậu. Muốn xem, hãy bỏ tiền ra mua chảo xịn”.

Sẽ là một chiều êm ả như ru với văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng và tiếng muỗi vo ve bay lượn bên tai nếu như không có mấy cái xe máy rú ga inh ỏi, vèo vèo lạng lách từ con đường trong làng phóng ra. Xe nào cũng chở ba chở bốn, toàn mấy đứa nhãi ranh mới lớn, mắt xanh mỏ đỏ, vừa đánh võng vừa hú hét và cười sằng sặc như một lũ tâm thần. Và cũng sẽ là một chiều êm ả như ru nếu không có cái tiếng kèn trống đám ma vẫn đang ê a, réo rắt bên tai. Liên vừa đếm đếm, kiểm kê lại hàng, vừa hỏi An:

- Ai chết ấy nhỉ?

- Cái Vân con bà Ập!

- Sao chết?

- Nó có thai, nhưng bố đứa bé không chịu nhận con, nó quẫn quá nên tự tử!

- Khốn nạn thật! Có biết bố đứa bé là ai không?

- Em chịu! Ngay cả con Vân, lúc hấp hối, mẹ nó có hỏi nó rằng bố đứa bé là ai để mẹ nó đi kiện, nhưng con Vân bảo là nó cũng không chắc, chỉ dám nghi nghi cho một số người thôi. Mẹ nó bảo là nghi cho những ai thì cứ nói, mẹ sẽ điều tra. Con Vân bảo mẹ lấy giấy ra ghi lại, vì sợ nói mồm mẹ nó lại quên. Nhưng mẹ nó cũng chỉ mới kịp ghi được gần 2 trang thì con Vân đã gục xuống và đi luôn, thành ra việc điều tra cũng rất khó khăn bởi vẫn còn nhiều người bị tình nghi mà con Vân chưa kịp nói.

Liên nghe em kể thì lắc đầu, thở dài ngao ngán. Ngao ngán thôi chứ Liên không ngạc nhiên, bởi chuyện đó ở cái làng này giờ như cơm bữa, có gì lạ! Làng này, có mấy đứa học hết lớp 9 đâu, chỉ lớp 7, lớp 8 là nghỉ học, ăn chơi đua đòi. Con trai thì cờ bạc, lô đề, nghiện ngập, con gái thì trưng diện, đú đởn. Toàn những đứa mặt non choẹt, ngực búng ra sữa đã biết lơi lả, yêu đương, rồi đi nạo thai như đi chợ. À, mà nói vậy cũng không đúng lắm, bởi đi nạo thai thì một hai tháng chúng nó lại đi, còn đi chợ thì từ bé đến giờ toàn mẹ đi, chứ chúng nó có đi bao giờ!

Bọn trẻ hư hỏng đã đành, người lớn cũng chẳng khá hơn. Từ ngày ruộng đất bán đi cho mấy khu công nghiệp, mấy dự án sân gôn, rì-zọt, rồi ôm một đống tiền về thì chả còn ai thiết tha đến lao động, làm ăn nữa. Tội quái gì phải bươn chải vất vả trong khi tiền có đầy trong hòm rồi?! Cứ ngồi mà ăn chơi cho sướng! Nhưng các cụ có câu: “Ăn không biết lo, của kho cũng hết”. Của kho thì sắp hết nhưng cái nết lười, cái thói quen ăn không ngồi rỗi nó không chịu hết mà nó vẫn bám riết lấy người dân làng này, thành ra tiền dẫu chẳng còn nhiều mà vẫn ít thấy ai lo toan, tính toán cho cái sự mưu sinh.

Nhà Liên là dân ngụ cư chuyển về làng, không có ruộng mà bán, nên hằng ngày hai chị em vẫn phải ra đây bán hàng, vẫn phải chắt chiu, nâng niu từng đồng bạc lẻ. Nghĩ vậy cũng may, chứ nếu cũng bán ruộng, cũng ôm một mớ tiền như nhà người ta thì biết đâu giờ này Liên không còn ở đây mà lại đang loay hoay phía sau vườn, buộc cái sợi dây thừng lên cành cây để treo cổ mình lên đấy, vì cái bụng chửa hoang đã phưỡn ra mà tìm mãi không ra cha đứa bé. Rồi cả thằng An nữa, đời nào nó chịu ngồi ở cái chỗ này cặm cụi phụ chị bán hàng, nó phải ở quán game online, miệt mài, mệt nhoài với những trò đột kích, half life, bắn giết, sống một cuộc sống chìm đắm trong tiếng súng, trong bom đạn, dù đất nước ta đã hòa bình, dù chiến tranh đã trôi qua hơn một phần ba thế kỷ.

Cái cửa hàng tạp hóa của chị em Liên mang đúng nghĩa đen của từ tạp hóa, tức là những hàng hóa tạp nham: từ bút mực, sách vở đến mắm muối gạo mỳ, rồi thì thuốc men, mỹ phẩm, thứ gì cũng có. Cứ hôm trước ai hỏi mua gì là hôm sau mẹ Liên lấy về thứ ấy. Cũng bởi thế nên việc kiểm kê hàng khá là lặt vặt, lắt nhắt với toàn những thứ nhỏ nhặt, linh tinh…

- Trưa nay chị thấy em bán cho cụ Sang mấy cái bao cao su cơ mà? Sao không thấy ghi vào đây?

- Cụ Sang định lấy, nhưng khi đeo thử thấy bao hơi nhỏ, nên cụ ấy trả lại! Cụ còn dặn là khi nào đi lấy hàng thì nhớ lấy cho cụ cái loại to nhất!

Thực ra ban đầu, cửa hàng của chị em Liên không bán bao cao su và thuốc tránh thai. Nhưng nhiều lần khách từ mấy cái nhà nghỉ bên kia đường cứ chạy đến rồi hỏi: “có bao cao su không?”, “có thuốc tránh thai khẩn cấp không?”, nên Liên lại bảo mẹ lấy mấy thứ đó về bán vì thấy nhu cầu sử dụng của khách cũng như của thanh thiếu niên trong làng là rất lớn. Và quả thực bây giờ, đó chính là những mặt hàng mang lại nguồn thu chủ yếu và ổn định nhất cho cửa hàng của chị em Liên.

Một trong những lý do khiến bao cao su và thuốc tránh thai khẩn cấp bán chạy là bởi có khá nhiều gái mại dâm tụ tập đón khách ở cái chợ huyện này. Gái mại dâm mua bao cao su thì đã đành rồi, nhưng còn thuốc tránh thai khẩn cấp họ cũng rất hay mua và mua với số lượng nhiều thì quả thực Liên không hiểu lắm. Chỉ đến khi được trò chuyện với một chị làm nghề bán dâm, là khách quen hay mua hàng ở quán thì Liên mới biết rằng khách mua dâm cũng nhiều loại lắm: có ông rất sợ rách bao, bắt phải đeo hai ba cái vào mới dám chơi; có ông thì lại không thích chơi bao vì nó vướng, cứ nằng nặc đòi đi chân đất.

Những ông đòi đi chân đất ấy sẵn sàng trả thêm tiền để được thỏa mãn sở thích của mình. Và tất nhiên sau mỗi lần chiều khách chân đất thì chị ấy lại phải uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Có đợt uống thuốc nhiều cũng xót tiền nên chị ấy đã quyết định đi đặt vòng cho tiết kiệm, nhưng không ăn thua, bởi khách hầu hết là đi tàu nhanh, mà đi tàu nhanh thì thường phải đứng, cộng thêm với lực tác động mạnh và liên tục nên vòng rất dễ bị rơi ra ngoài. Nhớ lần ấy tàu đang đi khá nhanh, chuẩn bị lên dốc thì chị ấy phải đột ngột cho tàu dừng lại rồi cả chủ tàu lẫn khách đi tàu phải bật điện thoại, lọ mọ soi xuống đất để tìm vòng. Sau vụ đó, chị đành quay về dùng thuốc để đảm bảo cho giao thông được xuyên suốt.

Đêm đã về tự lúc nào! Không còn quả cam Tàu đỏ rực phía Tây, cũng chẳng còn những ngôi nhà lô nhô cắt hình rõ rệt trên nền trời. Giờ tất cả đã chìm vào bóng tối, thi thoảng đâu đó mới thấy những đốm đèn xa xa như những con ma trơi lấp lóe, lập lòe. Duy có khu vực quanh cổng chợ, nơi chị em Liên đang ngồi, là sáng hơn cả - dẫu rằng đó là thứ ánh sáng đỏ quạch, yếu ớt phát ra từ cái bóng đèn cũ mèm với một lớp bụi và mạng nhện phủ lên dày đặc, còn lại thì cả khu chợ, lều quán, và con đường nhỏ gồ ghề, nhấp nhô dẫn vào làng đều bị nhạt nhòa, chìm dần trong thứ bóng tối chập chờn, thăm thẳm.

Lẽ ra thì chị em Liên có thể dọn hàng được rồi, vì giờ này khách mua cũng vãn. Nhưng có vẻ như hai chị em vẫn đang chờ đợi một điều gì đó. Đúng thế! Hôm nay là cuối tuần, sẽ có chuyến xe khách liên tỉnh chạy qua đây! Mà không chỉ hai chị em Liên thôi đâu, mấy thằng nghiện choai choai cũng đã căn giờ và đang lảng vảng ngoài bãi đợi xe từ nãy rồi. Mỗi lần qua quãng này, tài xế sẽ cho xe dừng để khách có đói thì xuống ăn tạm cái bánh mì, có khát thì xuống mua chai nước, và có buồn tè, buồn ị thì tìm chỗ mà giải quyết. Liên sốt ruột nhìn đồng hồ: Giờ này, lẽ ra xe phải đến rồi chứ nhỉ?

- A! Xe kìa! Xe kìa!

Mấy thằng nghiện ngoài bãi reo lên, lập tức Liên và An cũng quay ra theo. Con xe giường nằm cao lênh khênh đang ngắc ngư đánh xinh-nhan và rẽ chầm chậm xuống bãi chợ. Hai cái đèn pha sáng rực làm bừng lên cả một khoảng đất rộng mấp mô. Mấy bụi cây ven đường bị ánh đèn soi trực diện cũng giật mình thức giấc, hấp háy những chiếc lá như những con mắt lấp lóa, tò mò. Tiếng động cơ xe nổ êm êm, rì rì, mùi xăng dầu, mùi khói phả ra khen khét, nghèn nghẹt, nao nao…

Cửa xe từ từ mở! Khách lục tục xuống! Tiếng chân người lịch thịch, tiếng gọi nhau í ới…

- Mua bánh mì, mua nước uống đi cô ơi, chú ơi!

Liên và An hối hả chào mời, nhưng cũng ít người mua lắm, họ chủ yếu là xuống để hít thở chút không khí trong lành, để được vung tay, đá chân cho đỡ mỏi sau hành trình dài phải ngồi trên xe ngột ngạt…

- Có bao cao su không em? – Một vị khách bước vào quán và hỏi Liên với giọng thản nhiên.

- Dạ có ạ! Anh lấy mấy cái?

- Cho anh 8 cái!

- Anh lấy luôn 10 cái cho tròn tiền đi anh!

- Thôi! Mua hôm nào dùng dứt điểm hôm ấy thôi, mai cần thì lại mua sau, chứ mua thừa ra lãng phí lắm!

Rồi lại hai người khách nữa bước vào…

- Có giấy đi vệ sinh không em?

- Dạ có đây anh!

- Không bán lẻ à? Cả cuộn thế này anh chùi sao hết?

- Anh thông cảm! Em không bán lẻ được ạ!

Người khách cầm cuộn giấy lên với vẻ mặt đăm chiêu rồi quay sang hỏi vợ:

- Em có đi ị luôn không? Mình anh ị thì sao hết cuộn giấy được, phí lắm!

- Dạ không! Em đi tè thôi! Không buồn ị!

- Cố ị luôn đi! Ị ở đây thì lát về nhà khỏi ị, chứ chẳng lẽ lại mang cuộn giấy thừa này về sao?

- Nhưng em chỉ buồn tè thôi! Nếu anh muốn thì tè xong em sẽ lấy giấy chùi, được chưa?

- Tè thì chùi được đáng bao nhiêu? Vẫn còn thừa nhiều lắm!

- Thôi được rồi! Ị thì ị!

Rồi đôi vợ chồng ấy dắt díu nhau, lần mò và chìm sâu vào trong khoảng tối mênh mông.

Có tiếng quát tháo, chửi bới đâu đó, rồi lại nghe tiếng la hét, tiếng đánh lộn huỳnh huỵch ở chỗ mấy cái lều quán tối om phía trong chợ. Liên và An khỏi cần ngó nghiêng cũng biết đó là tiếng kêu của mấy thằng nghiện. Hôm nay chắc bọn nó xui xẻo nên gặp cớm rồi. Còn các bạn chắc cũng đang thắc mắc rằng mấy thằng nghiện nó lảng vàng ở chợ để đợi xe làm gì? Thì đó, nó chui vào trong chợ, đợi lúc người ta vào tè, vào ị là tụi nó xông ra xin đểu. Chúng nó sẽ tự nhận là dân phòng, là bảo vệ của chợ đang đi tuần tra để bắt người tè bậy, ị bậy. Rồi chúng nó giơ mấy cái ống tiêm ra bắt người ta nộp phạt. Đù má! Dân phòng với bảo vệ đi tuần thì phải mang súng, mang gậy chứ ai đời mang ống tiêm. Với cả dân phòng và bảo vệ người ta bận giữ gìn trật tự, chăm lo cho đời sống, cho bữa ăn, giấc ngủ của dân chứ ai rảnh đâu mà đi rình dân ỉa bậy. Thế nhưng lúc ấy hoảng rồi, ối kẻ vẫn dạ dạ, vâng vâng, van xin xoắn xít, rồi chúng bắt nộp phạt bao nhiêu cũng nộp.

Nhưng đấy là gặp mấy chị, mấy anh nhát gan thì mới ngon lành thế, chứ chẳng may hôm nào đụng phải anh có võ, có máu mặt, giang hồ, thì bọn nghiện lại no đòn. Như hôm nay chẳng hạn, lũ nghiện chạy toán loạn mỗi đứa một xó, ru rú như con chó phải ngày mưa gió.

Khách lại lục tục lên xe. Chiếc xe đánh xinh-nhan, ngắc ngư, ngật ngưỡng bò lên mép đường, rồi gầm lên, phả lại đằng sau mớ khói trắng khét lẹt, lao đi và hút dần trong bóng đêm vô tận. Cái bóng đèn đỏ quạch ở cửa hàng của chị em Liên cũng tắt phụt. An cầm chiếc đèn pin bé xíu, vừa soi cho chị khóa cửa vừa cất giọng tỉ tê:

- Mai chị đi lấy hàng hả? Cho em theo với nhé?

- Không được! Em ở nhà lo học bài đi, sắp thi rồi!

- Dạ! Mà chị nhớ lấy thêm bao cao su và thuốc tránh thai nhé! Sắp hết hàng rồi đấy! Đừng lấy sách vở với bút mực nữa, cả tháng nay có thấy ai hỏi mua mấy thứ đó đâu!

Thế rồi hai cái bóng nhỏ rảo bước lặng lẽ, thênh thang trên con đường làng khấp khểnh, dập dềnh. Bóng chúng mờ dần và chìm hẳn trong màn đêm sâu thẳm, chỉ còn ánh sáng từ chiếc đèn pin trên tay An là vẫn lấp láy, hệt như một ngôi sao lung linh trong đêm…
loading...

0 nhận xét:

Post a Comment

AD