Heo


Hôm trước cô giáo ra đề văn là: em hãy tả con gà. Đọc xong đề, con bé mừng húm vì trúng tủ. Nó cắm cúi viết:

“Em rất là thích gà, vì thịt gà ngọt, thơm, đặc biệt là khi chấm với muối ớt chanh
thì không gì tuyệt bằng. Thế nhưng mẹ em toàn mua thịt lợn, rất ít khi mua thịt gà, thường là mùng 1 hoặc hôm rằm mẹ mới mua để thắp hương. Em hỏi tại sao thì mẹ bảo thịt gà đợt này đắt lắm, của đâu mà ăn nhiều được.

Thường thì nếu bữa nào có món mình thích, người ta sẽ ăn được nhiều cơm hơn, nhưng em thì khác, hôm nào có thịt gà là em không ăn được miếng cơm nào, em chỉ tập trung ăn thịt gà thôi. Quan điểm của em là cơm thì ngày nào cũng có, còn thịt gà thì tháng mới được ăn một hai lần, tội gì mà phải ăn cơm trong khi đang có thịt gà.

Mẹ em thường mua gà đã làm sẵn ở chợ, da nó nhẵn nhụi, được chà nghệ vàng ươm, rất bắt mắt. Người ta mổ phanh bụng gà ra từ ngực kéo dài xuống tận phao câu. Lòng mề để riêng, nếu thích thì cho vào luộc cùng gà, còn không thì để xào với bí hoặc nấu với bánh đa. Bố em thường cho nguyên cả con vào xoong để luộc. Nước vừa sôi là đã ngửi thấy cái mùi gà béo ngậy xộc lên trong gió. Xong, bố em vớt gà ra cái rổ cho ráo nước. Da con gà lúc này không còn nhăn nheo, vàng nghệ nữa mà đã chuyển sang căng mọng, vàng sậm, toàn thân bao phủ một lớp bóng nhẫy, nhầy nhậy tiết ra từ những thớ mỡ nần nẫn nằm sâu dưới da.

Từ lúc bố vớt gà ra rổ để trên bếp là lúc em bắt đầu thập thò nấp sau cánh cửa dập dò, rình lúc không ai để ý là em mò tới ăn vụng: khi thì đoạn lòng mề, lúc thì miếng tiết, miếng gan, bữa lại quả tim, quả cật. Lần ấy, đang trốn trong buồng ăn vụng thì em nghe thấy bên ngoài tiếng bố quát rất to và bực bội:

- Cô lại ăn vụng hả?

- Đâu! Em ở ngoài sân suốt nãy đến giờ, ăn lúc nào? – Mẹ em cãi bằng giọng khá gay gắt.

- Không ăn? Không ăn mà hai hòn dái gà vừa mới đây xong đã mất tiêu. Đây là hai hòn dái để lát nữa thắp hương cúng ông nội đấy! Cô có biết lúc còn sống ông nội rất thích ăn dái không? Vậy mà cô lại nỡ ăn vụng dái của ông! Cái loại con cháu mất dạy!

Mẹ em cũng không vừa, nhất là khi bị đổ oan, thế là bố mẹ em cãi nhau to, rồi giận nhau, không ai thèm ăn uống gì, làm bữa đó một mình em phải khổ sở cố ăn cho hết con gà”.

Đấy! Toàn bộ bài văn của con bé là như thế. Chưa bao giờ nó viết một bài văn nào mà cảm xúc dạt dào với những lời lẽ và ngôn từ đầy hào hứng, say mê đến thế! Ấy vậy mà lúc trả bài, cô giáo cho nó có 3 điểm kèm theo lời phê: “Lạc đề! Tôi yêu cầu tả con gà sống, không phải gà luộc”. Nó ấm ức lắm, mang bài lên tận chỗ cô khiếu nại: “Rõ ràng đề ra là em hãy tả con gà, không có nói là gà sống hay gà luộc mà”. Cô giáo chẳng nói gì, chỉ lấy bút sửa điểm 3 thành điểm 1, kèm theo lời phê: “Chừa cái tội dám đôi co với cô đi con nhé!”.

Vài hôm sau cô giáo lại ra đề: em hãy tả đàn heo nhà em (heo sống). Con bé ôm đầu, nhăn trán đăm chiêu. Nhà nó ăn thịt heo suốt, nhưng mẹ nó chỉ mua về một hai miếng nhỏ, có bao giờ mẹ mua cả con về đâu mà nó biết con heo trông như thế nào? Huống hồ đề lại yêu cầu tả con heo sống, mà không phải một con đâu, là cả đàn heo sống. Vậy thì nó biết tả làm sao?

Nó đành lên tìm trên Google. Thế nhưng lạ lắm, rõ ràng là nó tra từ “con heo”, ấy vậy mà toàn hiện ra hình ảnh mấy cô gái mắt đờ đi mụ mị, ăn mặc hở hang, thậm chí là không mặc, chỉ đang ăn, ăn cái gì nó cũng không nhìn rõ, nhưng chắc không phải là cám, bởi vì cám nó là dạng cháo chứ không phải dạng hình trụ, tròn tròn, dài dài như vậy. Nhìn mấy cái hình ảnh đó nó lại càng thêm hoang mang. Cũng may là cuối cùng con bé cũng tìm được một đoạn văn tả đàn heo như sau:

“Gia đình heo có 3 người: heo bố, heo mẹ và heo con. Cả ba rất yêu thương nhau. Hôm ấy, heo con ăn phải cái gì đấy, bị giắt răng, nó ngắc ngắc cái đầu trông rất buồn cười rồi chạy đến bên heo mẹ kêu lên: “éc! éc!”. Heo mẹ bảo heo con há hồm ra, rồi lấy móng tay khều khều vào răng heo con. Loay hoay một hồi không được, heo mẹ đành quay ra gọi heo bố: “ụt ịt! ụt ịt!”. Heo bố đang dũi đất ở gốc chuối, nghe heo mẹ gọi thì liền hối hả chạy lại. Cả gia đình cùng nhau hí hoáy nên chỉ lát sau đã lôi được cái mảng giắt ở răng heo con ra. Cả nhà heo vui lắm, tất cả cùng reo lên mừng rỡ: “ủn ỉn! ủn ỉn!”.

Con bé chép lại y chang bài văn đó để mai mang đến lớp sẵn sàng nộp cho cô. Thế nhưng hình như cô quên thì phải, bởi mãi chẳng thấy cô thu bài. Và rồi vài hôm sau, cô lại cho cả lớp cái đề văn khác: em hãy tả một cảnh sum vầy vui vẻ của gia đình em.

Cái đề này tưởng là dễ, bởi gà hay lợn thì nó chưa được nhìn thấy bao giờ nên mới khó, chứ bố với mẹ thì con bé gặp suốt ngày, còn kêu khó gì? Ấy thế mà vẫn khó, bởi đề bài yêu cầu là tả cảnh sum vầy vui vẻ. Giá mà bắt nó tả cảnh cãi cọ, chửi bới, hoặc đánh nhau của bố mẹ nó thì nó viết một loáng xong luôn. Con bé ngồi vào bàn, cố gắng hết sức để tưởng tượng ra một cảnh sum vầy vui vẻ của gia đình, nhưng nó bất lực, và mãi không thể nặn ra một chữ nào. Nó đành ôm vở đến hỏi bố. Bố nó đang dán mắt vào chương trình quay thưởng xổ số được phát trực tiếp trên tivi. Nó gọi mấy lần bố mới quay ra với cái mặt hằm hằm:

- Biến đi! Lúc tao đang xem kết quả thì đừng có làm phiền!

Con bé đứng thừ người ra đó ngẫm ngợi bởi nó cũng chưa biết lúc nào thì nó có thể làm phiền bố nó được?! Vì lát nữa xem kết quả xong, nếu trúng, bố nó sẽ rú lên rồi lao đi lĩnh tiền, rồi tất nhiên là đi nhậu, gần sáng mới về. Còn nếu trượt, bố nó sẽ la hét, chửi bới, và rồi cũng bỏ đi, gà gáy mới về.

Và rồi, con bé quyết định mang vở vào hỏi mẹ. Mẹ nó đang ngồi trong phòng, khoanh chân trên giường cùng với mấy người nữa, tạo thành một vòng tròn khép kín, trên tay ai cũng xòe ra những lá bài nhìn như cái quạt, dưới chân ai cũng là một xấp tiền đủ loại, nét mặt ai cũng đăm chiêu, căng thẳng. Nó gọi mấy câu mà mẹ vẫn không quay ra. Thế rồi, nó nghe tiếng ai đó rú lên:

- Ù rồi! Ù rồi! Há há!

Lập tức mẹ nó vơ lấy cái gối ném thẳng vào nó, giọng đầy tức giận:

- Biến ra ngoài kia! Không thì không sao, mày vừa vào đây là tao bị ù đền! Cái loại con cái mất dạy!

Vậy là con bé chẳng hỏi được ai cả. Nó trở về bàn học, lại cố gắng hết sức để tưởng tượng ra một cảnh sum vầy vui vẻ của gia đình, nhưng nó bất lực, và mãi không thể nặn ra một chữ nào. Rồi nó chợt nhớ ra cái bài văn tả đàn heo mà nó chép được hôm trước, may mà cô giáo chưa thu. Cái bài đó hay đấy! Cũng là tả cảnh sum vầy, vui vẻ của gia đình. Nó chỉ cần chỉnh lại đôi chút là xong thôi. Chỗ nào có từ heo mẹ thì nó xóa chữ heo đi, để lại mỗi chữ mẹ; có từ heo bố thì nó chỉ để lại chữ bố, bỏ đi chữ heo; và có từ heo con cũng vậy, bỏ heo đi, chỉ giữ lại chữ con.

Thế mà bài văn đó của con bé được điểm cao nhất lớp đấy! Cô giáo khen hết lời, rồi còn đọc to cho cả lớp nghe nữa. Cô cho nó điểm 10, kèm theo lời phê: “Cô rất thích những đoạn hội thoại trong bài văn của con, dù chỉ là éc éc, ụt ịt, ủn ỉn, nhưng mà rất hợp lý, logic, và đầy biểu cảm! Giỏi lắm! Cố gắng lên con nhé!”.

Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo
facebook.com/truyencuoibua
loading...

0 nhận xét:

Post a Comment

AD